Giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tuyên truyền về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

content:

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG, BAN HÀNH LUẬT     

1. Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (PCCC, CNCH) được thể hiện ở các văn bản sau:

- Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: Tăng cường công tác phòng, chống cháy, nổ và tìm kiếm CNCH; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe doạ an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ CNCH, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người.

- Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026) đề ra nhiệm vụ xây dựng dự án luật điều chỉnh về PCCC và CNCH.

- Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC đề ra nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCCC, CNCH.

2. Bổ sung quy định về hoạt động CNCH cho phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân

- Hoạt động CNCH của lực lượng PCCC có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân như thực hiện các biện pháp y tế tác động đến người bị nạn; phá dỡ nhà, công trình, phương tiện, chướng ngại vật để mở lối tiếp cận, lối thoát nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng CNCH; ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm đe dọa an toàn phương tiện, tài sản, sức khỏe, tính mạng lực lượng CNCH và thực hiện các biện pháp khác trong quá trình CNCH... và theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì "quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật". Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có hoạt động PCCC được quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy, còn đối với hoạt động CNCH đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà lực lượng PCCC đang thực hiện lại chưa được quy định cụ thể trong văn bản luật là chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và không phù hợp với Hiến pháp năm 2013, không bảo đảm cơ sở pháp lý đúng quy định để lực lượng PCCC thực hiện nhiệm vụ.

- Thực tiễn hiện nay cho thấy, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH vẫn đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới quản lý nhà nước về CNCH và là lực lượng giữ vai trò nòng cốt, thường trực trong công tác CNCH hằng ngày, có đầy đủ các điều kiện, khả năng để thực hiện nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

- Qua tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Đức, Pháp, Thái Lan, Singapore, Malaysia... đều giao nhiệm vụ CNCH cho lực lượng PCCC chuyên trách làm nòng cốt đảm nhiệm và tham gia phối hợp còn có các lực lượng khác ở cơ sở đã đem lại hiệu quả cao trong công tác CNCH khi xảy ra sự cố, tai nạn.

3. Khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong tình hình mới

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC, CNCH trong tình hình mới. Nội dung này đã được báo cáo cụ thể trong Tờ trình số 795/TTr-BCA ngày 09/11/2023 của Bộ Công an.

II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG LUẬT

1. Mục đích

- Một là, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân.

- Hai là, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế.

- Ba là, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động PCCC, CNCH; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành và bổ sung quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

2. Quan điểm xây dựng Luật          

- Một là, tuân thủ Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; bảo đảm các quy định của Luật được cụ thể và có tính khả thi.

- Hai là, tổng kết đầy đủ, toàn diện thực tiễn thi hành pháp luật về PCCC, CNCH; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập và bổ sung quy định mới để nâng cao hiệu quả công tác PCCC, CNCH.

- Ba là, tham khảo có chọn lọc pháp luật của một số nước về PCCC, CNCH để vận dụng quy định cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

III. NỘI DUNG CƠ BẢN CÁC CHÍNH SÁCH CỦA DỰ ÁN LUẬT

1. Chính sách 1: Quy định bao quát, thống nhất hoạt động PCCC; phân loại cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; phân công, phân cấp, xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động PCCC với các nội dung sau đây:

          - Quy định bao quát, cụ thể các loại hình cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; điều chỉnh các quy định còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng hoặc bổ sung các nội dung mới để đảm bảo thực thi quy định về hoạt động PCCC.

- Nghiên cứu bổ sung các quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quản lý về PCCC; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở, chủ hộ gia đình, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC; đẩy mạnh việc phân công, phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác đầu tư, quản lý hoạt động PCCC.

- Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về PCCC.

2. Chính sách 2: Quy định cụ thể các hoạt động CNCH có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân mà chưa được quy định trong văn bản Luật với các nội dung sau đây:

Bổ sung các quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động CNCH, phạm vi hoạt động CNCH, các điều kiện bảo đảm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác CNCH; quy định phòng ngừa sự cố, tai nạn; huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ CNCH; xây dựng phương án sẵn sàng xử lý các tình huống CNCH; công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về CNCH; chế độ chính sách đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ CNCH và những vấn đề khác có liên quan tới công tác CNCH.

3. Chính sách 3: Quy định thực hiện xã hội hóa công tác PCCC đối với một số nội dung quản lý nhà nước về PCCC với các nội dung sau đây:  

Sửa đổi, bổ sung các quy định để đẩy mạnh xã hội hóa một số nội dung trong lĩnh vực PCCC như: Tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát về phòng cháy, chữa cháy; kiểm định kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy; thi công, lắp đặt, bảo dưỡng hệ thống phòng cháy và chữa cháy; kiểm tra về PCCC; tuyên truyền, huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ PCCC và CNCH; kinh doanh phương tiện, thiết bị, vật tư PCCC và CNCH. Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi thuế đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp phương tiện PCCC; hoàn trả bồi thường thiệt hại phương tiện, tài sản được huy động để chữa cháy; chính sách đối với người tham gia chữa cháy; chính sách khuyến khích đầu tư cho hoạt động PCCC…

4. Chính sách 4: Xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng PCCC và CNCH với các nội dung sau đây:

- Điều chỉnh quy định việc xây dựng, bố trí lực lượng phù hợp với từng địa phương, địa bàn và linh động để các địa phương được chủ động căn cứ vào yêu cầu công tác bảo đảm PCCC, CNCH ở từng địa bàn, cơ sở.

- Quy định cụ thể, toàn diện nhiệm vụ của lực lượng PCCC và CNCH trong văn bản luật, nhất là những nhiệm vụ có liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, qua đó bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng PCCC và CNCH cũng như bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013.

- Đổi mới và đa dạng hóa hình thức, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH ; củng cố, phát triển lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành và dân phòng; nghiên cứu quy định về hoạt động PCCC, CNCH tình nguyện để tăng cường nguồn nhân lực phục vụ hoạt động PCCC và CNCH.

5. Chính sách 5: Bảo đảm điều kiện đối với hoạt động PCCC, CNCH với những nội dung sau đây:

- Huy động nguồn lực đầu tư cho hoạt động PCCC và CNCH từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ, nguồn đóng góp tự nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài và các nguồn lực khác theo quy định của pháp luật.

- Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển PCCC thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, Hiệp hội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Việt Nam và các tổ chức xã hội khác; bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách nhằm thu hút nhân lực phục vụ chuyên nghiệp trong lực lượng Cảnh sát PCCC, CNCH và các lực lượng PCCC ở cơ sở./.

content:

Tiến độ giải quyết hồ sơ

content:

Bản đồ hành chính Phường

content:

content:

Thời tiết

Thống kê truy cập

Hiện có: 1747
Tổng: 361393